Những ngày qua, giá gạo tại các cửa hàng bán lẻ tăng liên tục, hiện đắt thêm 1.000-1.500 đồng một kg so với tháng trước, lên mức cao kỷ lục.
Điều chỉnh giá được hai ngày qua, anh Thành – đại lý gạo ở quận Tân Bình (TP HCM) – cho biết gạo Đài Thơm lấy từ các công ty lớn trong nước có giá 21.000 đồng một kg, tăng 1.000 đồng (5%) so với tháng trước và tăng 3.000 đồng (16%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo được các cửa hàng lấy của Tập đoàn Lộc Trời cùng các giống ST21 và 24 từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng 500 đồng một kg so với cách đây một tháng. Với Thơm Lài Long An, giá mỗi kg là 21.000 đồng, Gò Công 22.000 đồng, đồng loạt tăng 1.500 đồng.
Tương tự, tại cửa hàng gạo trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), ngoài loại gạo tầm trung tăng cao, mỗi kg gạo bình dân cũng tăng cao nhất tới 2.000 đồng so với tháng trước đó. Đặc biệt, gạo Thơm Dẻo, Thơm Hoa Sữa đã lên 16.000-17.500 đồng một kg, tăng 12% so với tháng trước.
Chị Hoa, chủ cửa hàng gạo này, cho hay từ đầu tuần trước tới nay, giá gạo tăng mỗi ngày. Các cơ sở sản xuất báo mức tăng dao động 100-500 đồng một kg, tính chung cả tuần, giá điều chỉnh thêm khoảng 3.000 đồng. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường yếu nên chị chỉ tăng giá bán lẻ ở mức tương đối.
“Nhiều cơ sở sản xuất báo giá gạo còn tăng tiếp vì lúa thu mua trong dân thời gian tới đã được đặt cọc cao hơn giá hiện tại”, chị Hoa cho hay.
Chủ cửa hàng gạo Bình An Phát (Bình Tân), cũng cho rằng giá gạo hiện cao kỷ lục từ trước đến nay. “Giá tăng cao, khách than liên tục nhưng tôi vẫn phải điều chỉnh, không sẽ phải bù lỗ”, đại diện Bình An Phát nói.
Tại các hệ thống siêu thị ở khu vực trung tâm, nhiều loại gạo cũng tăng thêm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tại Winmart và Winmart+, giá gạo phần lớn tăng so với cùng kỳ 2022. Chỉ có gạo Ngọc Nương truyền thống ST25 được cam kết giữ giá đến cuối năm.
Với Central Retail, siêu thị cho biết tháng 9, các doanh nghiệp cung ứng đã tăng giá lên khoảng 10%. Tuy nhiên, để hỗ trợ người tiêu dùng, hệ thống này cho biết chưa điều chỉnh giá bán lẻ mới. Tại Saigon Co.op, các doanh nghiệp phân phối gạo đang xin điều chỉnh giá, nhưng hệ thống này đang trong quá trình xem xét.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng ghi nhận giá gạo nội địa từ đầu tháng 10 đến nay tăng 100-500 đồng, trong đó gạo xát trắng đang được bán với giá 15.500 đồng một kg, gạo tấm 50% là 12.600 đồng, 5% tấm là 15.400 đồng.
Trước sức ép giá gạo tăng nhanh, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ gạo cũng chịu ảnh hưởng. Bà Hoàng Oanh, chủ cơ sở sản xuất bún ở huyện Bình Chánh, cho biết so với lúc cao điểm tháng 8, giá gạo nguyên liệu đã tăng cao và nhanh hơn. Đặc biệt, các loại gạo giá rẻ để làm bún lại tăng sốc nên gần đây cơ sở của bà giảm sản lượng để tránh phải bù lỗ.
Tương tự, các cơ sở bán cơm tấm cho rằng thay vì điều chỉnh giá bán cơm, họ cân đối lại phần ăn trước mức tăng cao của giá gạo.
Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo bán lẻ lập đỉnh mới, ông Đinh Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May – đơn vị xuất khẩu, đồng thời phân phối hàng cho các hệ thống siêu thị hiện đại – cho biết do nhu cầu ở thị trường thế giới tăng cao.
Trước đó, Chính phủ Ấn Độ nói sẽ gỡ lệnh cấm xuất khẩu trong tháng 10, nhưng đến nay vẫn không có thông báo mới, thậm chí lệnh cấm có thể kéo dài đến hết tháng 2/2024. Vì vậy, thế giới vẫn hụt 40% nguồn cung từ nước này. Ngoài ra, Indonesia, Trung Quốc, Philippines vẫn có nhu cầu thu mua gạo dự trữ cao. Theo dữ liệu xuất khẩu từ các doanh nghiệp, Indonesia vẫn chấp nhận mua gạo Việt với giá tới 650 USD một tấn.
“Nguồn cung của doanh nghiệp cho thị trường nội địa vẫn đảm bảo và không có gì đột biến. “Tuy nhiên, nhu cầu thế giới tăng cao, thương lái đua nhau thu gom, đẩy giá lúa trong dân lên cao nhất hai tháng. Chi phí sản xuất vì vậy cũng cao hơn, khiến giá gạo tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái”, ông giải thích.
Còn theo giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Long An, nguồn lúa gạo vụ Thu Đông thấp hơn so với các vụ trước, trong khi nhu cầu gạo phục vụ Tết Nguyên đán không chỉ ở Việt Nam mà cả Trung Quốc cũng cao khiến thương lái nước này vào gom hàng, đẩy giá gạo lên.
“Theo yêu cầu của Bộ Công Thương, chúng tôi vẫn dự trữ để đảm bảo nguồn cung trong nước ổn định. Ngoài hàng Việt, lúa Campuchia đang vào vụ cũng được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam nên không lo thiếu nguồn cung gạo”, giám đốc doanh nghiệp này nói.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục trồng trọt – khẳng định Việt Nam không lo thiếu gạo cho thị trường nội địa. Vụ Thu Đông sản lượng không cao so với các vụ trước nhưng diện tích năm nay tăng thêm 30.000 ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện năng suất vụ này trung bình đạt 56 tạ một ha, sản lượng đã thu hoạch ước đạt khoảng 1,62 triệu tấn thóc. Với lúa mùa, đã thu hoạch được khoảng 1 triệu ha, tương đương 5,71 triệu tấn. Trong đó, miền Bắc sản lượng đạt khoảng 5 triệu tấn; các tỉnh phía Nam khoảng 710.000 tấn.
Theo ông Cường, các tính phía Bắc, miền Trung và Nam đa phần lúa gạo phục vụ cho nội địa, tự cung tự cấp nên sản lượng lúa làm ra đủ cho dân tiêu dùng và dư một phần để xuất khẩu. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là vựa lúa chính để xuất khẩu nhưng cũng đáp ứng đủ nguồn cung cho TP HCM.
Tính đến ngày 25/10, vụ Thu Đông còn khoảng 400.000 ha chưa thu hoạch, tương đương gần 2,2 triệu tấn thóc sẽ thu hoạch từ nay tới hết tháng 12. Với vụ Đông Xuân 2023-2024, dự kiến gieo trồng gần 3 triệu ha, giảm 10.000 ha so với vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng dự kiến tăng hơn so với cùng kỳ 2022, đạt trên 20 triệu tấn. Lý do, người trồng ngày càng có kỹ thuật chăm sóc cao và lựa chọn giống cho năng suất tốt phù hợp với khí hậu.
“Cục cũng đang chỉ đạo sát sao các cơ sở để chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển. Ngoài ra cũng đang lên các phương án đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt”, ông Cường cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; sẽ theo dõi chặt diễn biến thị trường, thận trọng trong giao dịch xuất khẩu gạo để đảm bảo an toàn nguồn cung. Bộ sẽ tăng cường ổn định giá cả lương thực, đề phòng tình trạng đầu cơ.
Sở Công Thương TP HCM cũng cho biết đã đề nghị các doanh nghiệp bình ổn thị trường thực hiện nghiêm quy chế Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP HCM, đồng thời chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống.
Sở này đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường, niêm yết giá, bán đúng giá quy định.